Làm thế nào gỡ khó cho ngành công nghiệp hỗ trợ?
Thứ Ba, 20/04/2021 11:20
Ngành công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển, các doanh nghiệp không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất, dẫn đến GTGT của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp. Do đó, Bộ Công thương đã đề ra những giải pháp để giúp ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững.
Ngành công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển khiến các doanh nghiệp Việt không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất
Nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước ngoài
Theo Ban chỉ đạo 35 – Bộ Công thương, hiện nay, do công nghiệp hỗ trợ kém phát triển nên các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Chính vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020.
Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi. Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài.
Đó là chưa kể, ngành công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển khiến các doanh nghiệp Việt không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất. Điều này dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu (mà việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây), khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.
Ông Văn Nguyên Vũ – Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Công nghiệp và Thương mại Vít Việt cho rằng, tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu sẽ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn
Liên quan đến vấn đề này, ông Văn Nguyên Vũ – Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Công nghiệp và Thương mại Vít Việt (Lô EB17 đường số 19, KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho rằng, thực trạng trên sẽ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Thêm nữa, tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu… sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn, nhất là khi việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
“Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề then chốt góp phần vào sự phát triển bền vững của nền công nghiệp nước nhà trong dài hạn. Tuy nhiên, công ty chúng tôi, cũng như nhiều doanh nghiệp hoạt động trong mảng công nghiệp hỗ trợ vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là trong việc tự chủ nguồn nguyên vật liệu. Vì thế, các doanh nghiệp luôn mong mỏi sự tạo điều kiện, giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong việc tổ chức thực hiện một số chính sách ưu đãi”, ông Vũ nói.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Theo tìm hiểu, ngày 6/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách mới, kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, nước ta sẽ có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ.
Được biết, để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch hành động triển khai chi tiết các nhiệm vụ đặt ra, đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp trong mảng công nghiệp hỗ trợ đang kỳ vọng sơm được tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững
Trong đó, Bộ Công thương đang xây dựng kế hoạch kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 để phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển CNHT thực tiễn hiện nay.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ xây dựng các chính sách cho các ngành công nghiệp hạ nguồn nhằm tạo dung lượng thị trường phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa và thu hút đầu tư như xây dựng Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giầy đến năm 2030, tầm nhìn 2035; sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm ô tô để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước; xây dựng Nghị định về phát triển ngành cơ khí trọng điểm.
“Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 02 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện nay, 02 Trung tâm này đang kiện toàn bộ máy tổ chức và đã có các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ cải tiến, kết nối doanh nghiệp ngành ô tô, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy; hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất…”, Ban chỉ đạo 35 – Bộ Công thương cho biết